Bệnh sốt xuất huyết có lây không? Tìm hiểu con đường lây bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có lây không? bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào? Đây là những vấn đề mà nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết. Vậy hãy đọc những thông tin trong bài viết dưới đây để biết được bệnh sốt xuất huyết có bị lây không nhé.
Tóm tắt nội dung
1. Bệnh sốt xuất huyết có lây không?
Câu trả lời là có. Bởi sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus có tên Dengue gây ra, bệnh này có thể lây lan thành những vùng dịch lớn. Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra ở các nước thuộc khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành rộng rãi kể cả thành thị và nông thôn. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn.
Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết gồm 4 típ được ký hiệu lần lượt là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ đều có thể gây bệnh và chúng thường luân phiên gây nên các vụ dịch. 4 típ này không có miễn dịch chéo nên khi người bệnh mắc 1 trong 4 tuýp vẫn có khả năng bị lại do các típ khác gây ra.
Bệnh sốt xuất huyết có lây không?
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Biến chứng thường gặp của bệnh là sốt, xuất huyết và suy đa tạng. Người mắc bệnh này có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu hoặc vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.
2. Bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào?
Để biết được bệnh sốt xuất huyết có lây qua đường hô hấp không hay bệnh sốt xuất huyết có lây từ người sang người không, hãy xem các con đường truyền bệnh sốt xuất huyết dưới đây.
Bệnh lây qua đường muỗi vằn đốt
Bệnh sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn) khi con muỗi đó đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi rút Dengue không triệu chứng, sau đó lại đốt người khỏe mạnh thì sẽ truyền virus cho người lành qua vết đốt. Do đó, bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác qua muỗi đốt và phát triển thành dịch. Trong ổ dịch sốt xuất huyết, cứ 1 trường hợp mắc bệnh điển hình thì có hàng chục trường hợp mang virus tiềm ẩn, không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng là nguồn bệnh để lây cho người khác. Khi vào mùa dịch, bạn cần chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình.
Đặc điểm của muỗi Aedes:
- Muỗi Aedes gồm hai loại với tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Trong đó, loại muỗi Aedes aegypti là tác nhân chính gây bệnh trong các ổ dịch lưu hành.
- Loại muỗi này có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng nên còn có tên khác là muỗi vằn.
- Chỉ những con muỗi vằn cái mới có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết. Muỗi cái thường hoạt động và đốt người vào ban ngày, đặc biệt là vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối
- Muỗi vằn thường cư trú tại góc tối trong nhà, trên quần áo và các đồ dùng trong nhà.
- Muỗi vằn sinh sản, đẻ trứng ở những vùng có nước đọng như: ao, hồ, trong các dụng cụ chứa nước…
- Muỗi vằn phát triển mạnh nhất vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình các tháng trên 20 độ C. Nhiệt độ càng cao thì khả năng sinh sản của muỗi tăng lên.
- Sự phát triển tồn tại của virus trong cơ thể muỗi vằn: muỗi vằn cái hút máu người bệnh nhiễm virus Dengue, virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Sau đó virus đến cư trú tại tuyến nước bọt của muỗi lúc này chúng có thể gây bệnh sốt xuất huyết trong suốt thời gian sống còn lại vì thế chỉ cần một con mang mầm bệnh có thể lây bệnh có nhiều người lành.
- Bệnh sốt xuất huyết lây bệnh chủ yếu qua muỗi vằn nên loại trừ trung gian truyền bệnh là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả.
Lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm
Bệnh sốt xuất huyết có khả năng gây bệnh nếu lấy máu của người mang mầm bệnh truyền cho người lành. Hoặc trong trường hợp người lành và người bệnh dùng chung bơm kim tiêm. Tuy nhiên, đường lây bệnh này ít phổ biến hơn so với lây qua đường muỗi đốt.
Các đường lây truyền ít gặp
- Lây truyền tại bệnh viện: Virus có thể bị lây truyền qua các chế phẩm máu, phơi nhiễm với tổn thương do kim tiêm, tổn thương niêm mạc. Người cho máu không có triệu chứng cũng có thể mang virus dengue trong máu.
- Lây truyền dọc: Một số trường hợp người mẹ mang virus dengue trong máu (mắc bệnh trong vòng 10 ngày trước sinh) có thể truyền virus cho con khi sinh. Bệnh có thể biểu hiện ở trẻ sơ sinh khi trẻ được 4-11 ngày tuổi.
3. Một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết bao nhiêu lần?
Một trong những suy nghĩ sai lầm của nhiều người là khi đã mắc bệnh một lần thì sẽ không bao giờ mắc nữa. Hiện nay, có 4 thể sốt xuất huyết lưu hành trên thế giới và đặc biệt, cả 4 loại đó đều có mặt tại Việt Nam.
Với 4 thể gây bệnh sốt xuất huyết, một người có thể sẽ mắc bệnh này 4 lần trong đời. Điều đó có nghĩa là khi bạn mắc bệnh lần đầu, cơ thể đã tạo miễn dịch đặc hiệu để chống lại thể gây bệnh đó, thế nhưng vẫn còn 3 thể còn lại và người bệnh hoàn toàn có thể nhiễm bệnh thêm 3 lần nữa.
Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
➤ Xem thêm: Những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết cần nắm rõ
Bên cạnh đó, có một vấn đề mà bạn cần lưu ý rằng khi bị tái nhiễm, bệnh sốt xuất huyết thậm chí còn diễn biến nặng hơn lần trước. Để lý giải cho vấn đề này, có một số giả thiết được đưa ra như: khi người bệnh sốt xuất huyết lần hai, thủ phạm gây bệnh thường là týp virus Dengue khác, khi đó 2 kháng thể của 2 týp virus khác nhau cùng tồn tại trong cơ thể người bệnh sẽ làm bệnh nặng hơn, gây những phản ứng mạnh như tăng xuất huyết, choáng, trụy tim…
4. Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?
Khi người bệnh có những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết, người nhà nên đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị. Trong trường hợp nhẹ có thể chăm sóc người bệnh ở nhà bằng cách:
- Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi.
- Chú ý cho người bệnh uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Bên cạnh đó cần cho người bệnh ăn các loại thức ăn nhẹ như: cháo, súp, sữa…
- Dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.
- Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện để có phương pháp điều trị kịp thời.
5. Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Tiêu diệt trung gian truyền bệnh
Muỗi vằn là trung gian lây truyền và phát tán mầm bệnh, do đó, để không để bị muỗi đốt, điều tốt nhất chúng ta nên làm là diệt chúng tận gốc. Để bệnh sốt xuất huyết không có cơ hội lây lan, phát tán thành dịch, bạn nên:
- Triệt tiêu những nơi đẻ trứng của muỗi bằng cách đậy kín các lu vại chứa nước hoặc tất cả dụng cụ đựng nước quanh nhà.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là với những vật dụng chứa nước. Thu gom các vật phế thải không sử dụng, sắp xếp đồ đạc gọn gàng để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi trong nhà.
- Việc phát quang bụi rậm quanh nhà cũng góp phần giảm nơi trú ngụ của muỗi. Nếu có thể, bạn nên trồng thêm các loại cây có tinh dầu như hương thảo, bạc hà… để muỗi không đến gần.
- Sử dụng các loại thuốc xịt muỗi, vợt điện để diệt muỗi, tinh dầu đuổi muỗi… nhưng cần để chúng xa tầm tay trẻ em.
Phòng chống muỗi đốt
Bệnh sốt xuất huyết có bị lây không thì còn phụ thuộc vào việc ngăn ngừa muỗi đốt. Vì vậy, bạn cần chú ý cả đến vấn đề phòng chống muỗi đốt khi trong nhà có người mắc bệnh sốt xuất huyết, vì người bệnh chính là ổ bệnh, còn muỗi vằn lại là kẻ phát tán bệnh. Một số biện pháp để không bị muỗi đốt như:
- Mặc quần áo dài tay sáng màu, vì muỗi chỉ yêu thích những màu tối và việc mặc áo dài tay sẽ tạo một lớp bảo vệ mỏng trên da bạn.
- Thoa vitamin B1 cũng là mẹo để muỗi không đến gần, muỗi rất ghét mùi vị của loại vitamin này.
- Ngủ màn, kể cả ban ngày.
Tổng hợp